|
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2014 Việt Nam xuất siêu 2,5 tỷ USD, lần đầu tiên có thặng dư thương mại cao nhất. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một kỳ tích, bởi chỉ cách đây vài năm, nhập siêu luôn là nỗi lo lớn. Tuy vậy, liệu kỳ tích xuất siêu này có gây nên nỗi lo mất cân đối xuất nhập khẩu của nước ta.
FDI xuất siêu, trong nước nhập siêu
9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu nước ta ước đạt 109,63 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013; nhập khẩu đạt 107,16 tỷ USD, tăng 11,1%. Như vậy dù nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng xuất nhập khẩu vẫn đạt được thành tích khi xuất siêu tới 2,5 tỷ USD. Phân theo khu vực, kinh tế trong nước xuất khẩu 36,6 tỷ USD, nhập khẩu 46,86 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu 72,99 tỷ USD, nhập khẩu 60,29 tỷ USD.
Tính chung khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,22 tỷ USD, khu vực FDI xuất siêu 12,69 tỷ USD. Những con số trên cho thấy thành tích xuất siêu của Việt Nam hoàn toàn nhờ khu vực FDI.
Thị trường hàng hóa xuất khẩu trong 9 tháng Hoa Kỳ vẫn đứng đầu với kim ngạch ước đạt 21 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2013, chủ yếu từ một số nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao như dệt may tăng 15,3%, giày dép tăng 23,7%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 14,4%.
Tiếp đến là EU với 20,1 tỷ USD, ASEAN 14 tỷ USD, Nhật Bản 11,2 tỷ USD, Trung Quốc 11,1 tỷ USD, Hàn Quốc 5,1 tỷ USD. Về nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường có hàng hóa nhập khẩu đứng đầu, ước đạt 31,1 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013; nhập siêu từ thị trường này vẫn ở mức cao, ước khoảng 20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là các thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ.
Trong những năm qua, khu vực FDI ngày càng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch thương mại của Việt Nam. Trong giai đoạn 2001-2013, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI hàng năm đạt 24,61%, vượt xa mức tăng trưởng 15,53% của khu vực kinh tế trong nước. Nhập khẩu khu vực FDI cũng cao hơn khá nhiều so với khu vực kinh tế trong nước. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu khu vực này năm 2001 mới đạt 37%, đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng lên 61,57% nhưng vẫn luôn trong trạng thái xuất siêu.
Ngay cả các năm 2007 và 2008 khi Việt Nam lần lượt nhập siêu 20 tỷ USD và 24 tỷ USD, nhưng khu vực FDI vẫn xuất siêu hơn 6 tỷ USD. Trong những năm gần đây, xuất khẩu của khu vực FDI luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu nên xuất siêu của khu vực này càng lớn. Chẳng hạn năm 2011 khu vực này xuất siêu 6,73 tỷ USD, đến năm 2013 con số này lên tới 13,72 tỷ USD và 9 tháng năm 2014 đã đạt 12,69 tỷ USD.
Rõ ràng FDI ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nước ta. Vốn đầu tư khu vực này trong những năm gần đây chiếm khoảng 22-25% tổng đầu tư của nền kinh tế, vốn đăng ký từ năm 1988 đến hết tháng 9-2014 là 275 tỷ USD, trong đó đã giải ngân khoảng 120 tỷ USD. Hiện nay rất nhiều nhà máy FDI đi vào hoạt động có doanh thu rất lớn, như các nhà máy lắp ráp điện thoại, đồ điện tử của Samsung, dệt may, da giày...
Thực trạng đáng quan ngại
Từ lâu, thâm hụt thương mại luôn là nỗi lo thường trực đối với nước ta, nhưng vài năm gần đây Việt Nam lại trở thành nước có thặng dư thương mại. Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên nếu soi kỹ cán cân xuất nhập khẩu ở khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI, nhiều người quan ngại xung quanh thành tích này.
Số liệu trên cho thấy rõ xuất siêu chủ yếu nhờ khu vực FDI, trong khi đó tình hình xuất nhập khẩu của khu vực trong nước không có nhiều cải thiện. Với khó khăn hiện tại của nền kinh tế, khu vực kinh tế trong nước gần như không thể phát triển được, hoặc một bộ phận sản xuất bị khu vực FDI thâu tóm.
Các chuyên gia kinh tế Bùi Trinh và Nguyễn Trí Dũng trong báo cáo có tên “Lựa chọn chính sách trong bối cảnh hiện nay”, phân tích trên thực tế đầu tư của khu vực FDI và nhà nước vẫn tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi hơn so với khu vực tư nhân. Tuy nhiên, do định hướng ưu tiên đầu tư vẫn chưa đúng hướng, thu hút FDI chưa chọn lọc nên giá trị gia tăng khu vực này đem lại nếu xét cả về đầu tư và xuất khẩu là không đáng kể.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) chỉ ra trong 4 động cơ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là các khu vực kinh tế nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp hộ gia đình - cá thể và FDI, chỉ có khu vực FDI còn đứng vững và phát triển. Các tác giả đã lý giải nguyên nhân khiến 3 động cơ còn lại không tăng trưởng do bị tác động bởi những khó khăn kinh tế nội địa, yếu kém của thể chế và chính sách kinh tế.
Trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội với 55 tỷ USD, khối FDI đóng góp gần 1 nửa, góp phần tích cực vào mức tăng trưởng GDP 5,4-5,8% hiện nay. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của khối FDI đối với doanh nghiệp trong nước chưa nhiều. Vấn đề phải làm sao để họ đem công nghệ cao vào Việt Nam, rồi chuyển giao để thành công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Như vậy chuyện tác động lan tỏa phụ thuộc vào chính sách thu hút đầu tư của chúng ta.
GS.TSKH Nguyễn Mại Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI |
Trong báo cáo gửi đến Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm doanh nghiệp ngoài nhà nước và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp) đang đứng trước nhiều vấn đề, như chất lượng phát triển chưa bền vững, hiệu quả kinh doanh chưa cao, tính phi chính thức chiếm ưu thế, khả năng tự chủ và sức đề kháng yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng; bên cạnh đó là những hạn chế do hệ thống thể chế (các khuôn khổ pháp lý, hệ thống các chính sách hỗ trợ…).
Do ảnh hưởng của tính phi chính thức (đang khá phổ biến) và sự liên kết kinh doanh yếu kém, các doanh nghiệp khu vực tư nhân đang phụ thuộc khá lớn vào doanh nghiệp Trung Quốc, kể cả về thị trường nguyên liệu đầu vào (đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, da giày, điện tử, máy móc phụ tùng...) và thị trường tiêu thụ (nông sản, khoáng sản...). Đây cũng chính là những lĩnh vực khu vực tư nhân tham gia tích cực nhất.
Kinh tế tự chủ?
Trong 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Trung Quốc (không bao gồm Hồng Công) chỉ có 11,1 tỷ USD, trong khi nhập khẩu từ nước này lên tới 31,1 tỷ USD, tương ứng nhập siêu từ Trung Quốc 20 tỷ USD. Trước đó, năm 2012 và 2013, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lần lượt 16 tỷ USD và 24 tỷ USD. Tính trung bình trong 10 năm qua tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 30%, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 23%. Đặc biệt, năm 2013 tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào Trung Quốc chỉ 3%, nhưng nhập khẩu lên tới 27%.
Hiện nay, hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường Việt Nam, từ máy móc, thiết bị trong sản xuất đến hàng hóa tại siêu thị, cửa hàng tạp hóa; từ đồ có giá trị cao đến đồ có giá trị rất thấp; từ hàng thông dụng cho đến các hàng hóa chuyên dụng.
Trong 9 tháng qua, chính xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu từ khu vực FDI đã vực dậy tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý III-2014. Như vậy, sản xuất đang phục hồi, dù còn hơi chậm bởi các doanh nghiệp trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, Chính phủ cần thực hiện nhiều động thái tích cực hơn nữa để vực dậy doanh nghiệp trong nước.
TS. Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2014, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng cho Việt Nam với trị giá 4,38 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc cũng là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón cho Việt Nam với 1,1 triệu tấn, chiếm 50,8% tổng lượng phân bón cả nước nhập về.
Những mặt hàng còn lại như sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc 2,84 triệu tấn, tăng 39,6%, chiếm 46,8% tổng lượng sắt thép nhập khẩu. Việt Nam cũng nhập khẩu nhóm nguyên phụ liệu dệt may, da giày chủ yếu từ Trung Quốc với 3,88 tỷ USD, tăng 25,7% và chiếm 39,1% trong tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Vấn đề đáng lo nhất hiện nay là việc kiểm định chất lượng hàng hóa của Trung Quốc đang bị bỏ ngỏ. Đó là hàng hóa như đồ chơi trẻ em nhiễm hóa chất, thực phẩm độc hại đang tràn ngập thị trường. Nhiều thông tin cho thấy hàng hóa nhập từ Trung Quốc đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, nhiều máy móc, thiết bị của Trung Quốc xâm nhập Việt Nam thông qua các hợp đồng EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình) chủ yếu đã lạc hậu, kém chất lượng… Như vậy, dù xuất siêu nhưng nền kinh tế nước ta cũng bộc lộ nhiều yếu kém, thể hiện qua việc thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng lớn.
Bao giờ ta mới xây dựng được nền kinh tế tự chủ?
Theo saigondautu
|