|
Bình Định đang thực hiện nhiều giải pháp thắt chặt chuỗi liên kết, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính Nhật Bản.
Từ năm 2014, Bình Định đã thực hiện chuỗi liên kết khai thác, thu mua, XK cá ngừ đại dương (CNĐD) sang Nhật Bản. Tuy nhiên, do chuỗi liên kết này vận hành chưa trơn tru, nên chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu của thị trường.
Với quyết tâm khẳng định vị thế CNĐD Bình Định trên thị trường Nhật Bản trong thời gian tới, tỉnh này đang thực hiện nhiều giải pháp thắt chặt chuỗi liên kết, nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng đáp ứng được yêu cầu của thị trường khó tính.
Củng cố mô hình
Theo ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, trong năm 2014, tỉnh đã chọn 4 tàu cá của 2 ngư dân La Tình và Nguyễn Quê ở xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) tham gia chuỗi liên kết.
Những tàu tham gia mô hình liên kết được UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ 5 bộ câu CNĐD của Nhật Bản và được hướng dẫn quy trình câu, xử lý và bảo quản cá theo phương pháp của Nhật.
Cty CP Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) và Cty Kato Hitoshi General Office (Nhật Bản) đánh giá chất lượng và thu mua sản phẩm của ngư dân được đưa lên sàn đấu giá ở thị trường Nhật Bản.
Khi những lô CNĐD đầu tiên của Bình Định được chọn đưa đi bán đấu giá tại thị trường Nhật Bản, người tiêu dùng ở đây đã đánh giá chất lượng cá không thua kém sản phẩm cùng loại của các nước khác. Tuy nhiên, số lượng cá ngừ đảm bảo chất lượng còn quá ít.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao CNĐD của Bình Định dù đánh được số lượng rất nhiều, nhưng những con đủ tiêu chuẩn XK được chọn thì quá ít, ngành chức năng đã mở cuộc kiểm tra.
Kết quả cho thấy, nhiều thuyền viên trên tàu cá của ngư dân La Tình không tuân thủ quy trình kỹ thuật khai thác, xử lý, bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn. Chủ tàu cá La Tình cũng không mặn mà lắm trong việc thực hiện chuỗi liên kết, nên 4 tàu cá trong tổ đội của ông đã bị loại ra khỏi mô hình.
“Thực hiện chuỗi liên kết để XK CNĐD sang Nhật Bản là hướng đi đúng, có nhiều triển vọng. Bởi vậy, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo chúng tôi tiếp tục củng cố và phát triển mô hình chuỗi liên kết khai thác, thu mua, XK CNĐD. Đến nay, chúng tôi đã lựa chọn được 18 tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn và 7 tàu cá của ngư dân TP Quy Nhơn tiếp tục tham gia mô hình”, ông Hổ nói.
Hỗ trợ tối đa ngư dân
Để thất bại cũ không lập lại, lần này Bình Định lựa chọn các tàu cá tham gia mô hình đều là thành viên của các tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản tại các địa phương; đảm bảo điều kiện khai thác CNĐD ở những vùng biển xa; không có biến động về thuyền viên.
"UBND tỉnh đã chỉ đạo BIDIFISCO nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng sản phẩm để đánh giá chính xác, không để ngư dân bị thiệt và có chính sách khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm. Các tàu cá tuân thủ nghiêm cẩn quy trình khai thác, sản phẩm được bảo đảm chất lượng XK sẽ được UBND tỉnh thưởng thêm tiền”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định. |
Đồng thời chủ tàu cam kết nỗ lực áp dụng quy trình kỹ thuật vào đánh bắt và cải hoán hầm bảo quản trên tàu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm; đảm bảo 1 chuyến biển không quá 10 ngày.
Mỗi tàu cá tham gia mô hình được hỗ trợ lắp đặt 1 bộ thiết bị đánh bắt CNĐD, máy Sonar dò cá và các dụng cụ dùng để giết mổ cá.
Ngoài ra, mỗi tàu còn được hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp hầm bảo quản cá, ngư dân tham gia mô hình còn được hỗ trợ bảo hộ lao động.
Ông Phan Trọng Hổ cho biết thêm tháng 10/2015, sẽ có 3 tàu cá trong mô hình vươn khơi đánh bắt thực nghiệm bằng các trang thiết bị của Nhật Bản. Chuyến biển này sẽ có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp tỉnh và các chuyên gia Nhật.
Đến tháng 1/2016, 25 tàu cá trong mô hình sẽ đồng loạt mở chuyến biển đầu tiên khai thác CNĐD. Sản phẩm khai thác sẽ được BIDIFISCO kiểm tra chất lượng, thu mua và XK sang thị trường Nhật Bản.
Yêu cầu “khó nhằn” về phía thị trường tiêu thụ Nhật Bản là sau khi đánh bắt, không quá 10 ngày sau cá phải được cập bờ để bảo đảm chất lượng. Trong khi đó, thông thường một chuyến biển của tàu đánh bắt CNĐD phải kéo dài gần 1 tháng.
Trước thực tế này, ông Hổ thừa nhận: “Quả thật, vừa vận hành tàu, vừa khai thác, xử lý, bảo quản và vận chuyển sản phẩm từ khơi xa vào đất liền trong vòng 10 ngày là thách thức lớn đối với bà con ngư dân tham gia mô hình.
Vì vậy Bình Định sẽ có phương án sử dụng 1 tàu cá trung chuyển, để liên tục vận chuyển sản phẩm của các tàu cá trong mô hình vào đất liền đúng thời hạn”.
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
|