Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Xuất khẩu: Lượng tăng nhưng chất chưa tăng

9/8/2017 8:19:03 AM

8 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016. Dự kiến KNXK cả năm sẽ vượt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng hơn 20 tỷ USD so với năm 2016. Đó là các con số đáng tự hào. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh nhưng chất lại chưa tương xứng...

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng năm 2017 của Việt Nam. Trong bức tranh kinh tế chung của cả nước, xuất khẩu đang là điểm sáng. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 8 tháng năm 2017 của cả nước đạt 133,5 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 37,83 tỷ USD, tăng 15,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,67 tỷ USD, tăng 18,9%. KNXK một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó điện thoại và linh kiện đạt 26 tỷ USD, tăng 14,8%; dệt may đạt 17 tỷ USD, tăng 7,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 15,7 tỷ USD, tăng 39,3%; giày dép đạt 9,6 tỷ USD, tăng 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 8,1 tỷ USD, tăng 30,1%; thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19,2%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 10,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,6 tỷ USD, tăng 19,6%; rau quả đạt 2,3 tỷ USD, tăng 48%... 

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 8 tháng đạt 27,2 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 24,7 tỷ USD, tăng 12,7%; Trung Quốc đạt 18,3 tỷ USD, tăng 41,8%; ASEAN đạt 14,1 tỷ USD, tăng 26,6%; Nhật Bản đạt 10,9 tỷ USD, tăng 16,1%; Hàn Quốc đạt 9 tỷ USD, tăng 24%...

Do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu nên cán cân thương mại đang về xu thế cân bằng. Những tháng đầu năm chúng ta nhập siêu, mấy tháng gần đây đã xuất siêu, trong đó, tháng 7 xuất siêu 266 triệu USD, tháng 8 xuất siêu 400 triệu USD. Tính chung 8 tháng năm 2017 nhập siêu 2,13 tỷ USD, bằng 1,6% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 16,41 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 14,28 tỷ USD.

Bộ Công Thương dự báo KNXK năm 2017 của cả nước sẽ vượt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng hơn 13% so với năm 2016 và vượt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra (chỉ tiêu tăng 6-7%). Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD, bằng 2,5% KNXK, thấp hơn mức Quốc hội đề ra.

Điều đáng mừng là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của ta đang chuyển dịch theo hướng tích cực, khi nhóm công nghiệp chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao; nhóm nhiên liệu khoáng sản ngày càng giảm.

Còn nhiều nỗi lo

Bên cạnh niềm vui khi KNXK tăng khá cao so với kế hoạch, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các doanh nghiệp cũng đang lo lắng bởi sự tăng trưởng của nhiều ngành còn thiếu bền vững. Giá trị KNXK nông, thủy sản tăng nhưng giá bán thì thấp hơn so với nhiều nước. Phần lớn mặt hàng này đang xuất khẩu dưới dạng thô hoặc mới qua sơ chế, tỷ lệ sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm còn cao. Nhiều mặt hàng không có thương hiệu nên dễ gặp rủi ro khi biến động thị trường. Một số ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam nhưng nguyên liệu bắt đầu khan hiếm như hạt điều (hiện 50% điều thô phải nhập khẩu)…  

Điều lo ngại nhất là KNXK lớn nhưng giá trị gia tăng trong các mặt hàng xuất khẩu không nhiều. Trong nhóm công nghiệp chế biến, điện tử gia dụng là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực nhưng giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 30-35%; ngành điện tử tin học, viễn thông có giá trị gia tăng chỉ đạt khoảng 15%.  

Mặc dù chúng ta đã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, song hiện mới chỉ giữ vai trò là mắt xích phụ thuộc, chứ chưa đạt đến vai trò mắt xích then chốt. Việt Nam chủ yếu đang làm gia công, còn khâu đạt giá trị cao hơn như: Thiết kế, thương hiệu, logistics… thì ta chưa làm được.

Ngành công nghiệp hỗ trợ chưa được xây dựng đầy đủ để đáp ứng cho các ngành công nghiệp khác như: Công nghiệp ô tô, dệt may, da giày… nên vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài. Điều này dẫn đến rủi ro khi thị trường biến động thì cũng chịu nhiều tác động.

Xuất khẩu hàng hóa qua cảng Vũng Tàu. Ảnh: Minh Nguyệt. 

Cần chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1137/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án này đang được các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ là khung khổ pháp lý quan trọng để hướng tới xuất khẩu bền vững. Mục tiêu của đề án là đến năm 2020, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các mặt hàng đang có lợi thế xuất khẩu; giá trị gia tăng của các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực tăng bình quân 20% so với hiện nay. Tăng dần tỷ trọng xuất khẩu nông, thủy sản vào thị trường các nền kinh tế phát triển (EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Giải pháp chủ yếu, xuyên suốt đề án là tổ chức lại sản xuất thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu.

Cụ thể, đối với nông sản, sẽ chuyển từ sản xuất nhỏ phân tán sang sản xuất tập trung quy mô lớn, quản lý chất lượng từ nuôi trồng đến vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ. Thực tế, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã đi theo hướng này đã cho thấy kết quả rõ nét. Gạo của Tập đoàn Lộc Trời là một ví dụ điển hình. Trong khi các doanh nghiệp và đông đảo nông dân sản xuất những dòng gạo có chất lượng trung bình, giá rẻ, thì Lộc Trời đã chọn cách đi khác biệt khi quyết tâm “khép kín” từ sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời chỉ sử dụng các loại giống chất lượng cao. Tập đoàn này đã đầu tư cho nông dân từ giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, cùng nông dân tổ chức canh tác lúa và ký kết hợp đồng, đến lúc thu hoạch sẽ thu mua theo giá cả thị trường. Lộc Trời mạnh dạn hợp tác với các nhà khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, sinh học để nuôi dưỡng, bảo vệ cây trồng. Gạo Hạt Ngọc Trời do tập đoàn này sản xuất đã thâm nhập thành công các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản… với giá bán cao gần gấp đôi so với loại gạo trắng thông thường.

Đối với sản phẩm công nghiệp, Đề án khuyến khích chuyển từ gia công thuần túy sang các phương thức sản xuất có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị hàng hóa, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các ngành công nghiệp cơ khí, sản xuất linh kiện, dệt may, da giày… nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa. 

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tái cơ cấu thông qua chuyển đổi phương thức sản xuất và xuất khẩu, Bộ Công Thương đang tập trung tăng cường cung cấp thông tin về thị trường và các biện pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản thị trường. Đặc biệt, bộ sẽ tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các hiệp định thương mại tự do cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ cũng tập trung tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu, nhất là nông sản, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

 

Hàng hóa xuất khẩu của ta đang thua thiệt với các nước do giá trị gia tăng mang lại từ hoạt động xuất khẩu rất ít. Có thể chúng ta đạt hoặc vượt mục tiêu con số xuất khẩu, nhưng liệu có gia tăng được giá trị xuất khẩu mới là điều quan trọng. Thực tế giá trị gia tăng xuất khẩu những năm qua quá thấp, đã làm cho những con số mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu không còn nhiều ý nghĩa. Bài toán xuất khẩu hiện nay là phần DN Việt Nam được hưởng phải tăng lên.

GS. TS. Đặng Đình Đào

Theo báo Quân Đội Nhân Dân.

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
Xuất khẩu năm 2017 dự báo cán mốc 200 tỷ USD (9/8/2017 8:10:02 AM)
Nông lâm thủy sản xuất khẩu đạt hơn 23 tỷ USD (8/30/2017 8:40:30 AM)
Kim ngạch xuất khẩu tôm hướng đến mốc 3,3 tỷ USD (8/30/2017 8:38:36 AM)
Tháng 8: Xuất khẩu thủy sản ước đạt 749 triệu USD (8/30/2017 8:35:54 AM)
Những nhóm hàng xuất khẩu chính 6 tháng năm 2017 (7/27/2017 12:48:59 PM)
Xuất khẩu rau quả có thể lần đầu tiên vượt 3 tỉ USD (7/27/2017 12:46:35 PM)
Xuất khẩu năm 2017 có thể đạt 200 tỷ USD (7/15/2017 10:01:15 AM)
Xuất khẩu rau quả tăng hơn 10.000 tỷ đồng (6/28/2017 2:49:25 PM)
Infographics: Cơ cấu các thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam (6/22/2017 3:48:11 PM)
Hàng xuất xứ từ Greenland được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi (6/16/2017 3:47:21 PM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com