|
Số lượng ít, nhưng các doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 70% thị phần ngành logistics. Doanh nghiệp Việt Nam đã thua trên sân nhà, lại đang đứng trước nhiều rào cản, trong khi cam kết trong WTO và ASEAN đã cận kề.
Yếu kém
Hiện logistics của Việt Nam (VN) đang xếp thứ 53/155 quốc gia, với nguồn thu chiếm khoảng 15-20% GDP. Con số hấp dẫn này đã thu hút các doanh nghiệp (DN) trong nước cùng các tập đoàn hàng hải lớn trên thế giới như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics, NYK Logistics... Đó là lý do ngành dịch vụ logistics VN đã phát triển nhanh chóng, từ một vài DN giao nhận quốc doanh ở đầu thập niên 90, đến này đã có gần 1.000 DN hoạt động trên khắp cả nước.
Thế nhưng, giữa hai thế lực nội và ngoại là một cuộc chơi không cân sức, với cán cân nghiêng về những tập đoàn hàng hải hùng mạnh, vượt trội bởi bề dày kinh nghiệm, nguồn tài chính dồi dào, cùng hệ thống dịch vụ đã được hình thành lâu năm, chuyên nghiệp và bao quát trên toàn thế giới. Chính vì vậy, họ đã giành được khoảng 70% thị phần, trong khi DN VN chỉ đáp ứng dịch vụ đơn giản, hoạt động manh mún, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, qua nhiều trung gian, đại lý. Phương thức cạnh tranh chủ yếu là hạ giá để giành khách hàng, tự thôn tính lẫn nhau nên thị phần của các DN trong nước ngày càng nhỏ lại. Nhiều DN chỉ là danh nghĩa, còn thực chất là làm thuê cho các hãng nước ngoài. Theo đánh giá của Hiệp hội Giao nhận kho vận VN (Viffas), sự yếu thế của DN nội còn bộc lộ ở thực chất hoạt động, chỉ có gần 10% số DN thực sự cung cấp các dịch vụ logistics. Đã vậy, tính minh bạch lại rất yếu, làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh khiến dịch vụ logistics khó phát triển.
Cam kết trong WTO, VN sẽ mở cửa đối với các loại hình dịch vụ vận tải, theo quy định đến năm 2012 hoặc chậm nhất là 2014, các DN nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn của họ để kinh doanh các dịch vụ liên quan tới hoạt động logistics. Không chỉ với WTO, năm 2013 là mốc thời gian được đặt ra để tự do hóa hầu hết các phân ngành chủ yếu trong dịch vụ logistics ở khu vực ASEAN. Thị trường nóng bỏng này mở cửa quả là cơ hội để VN thúc đẩy phát triển nhanh ngành dịch vụ logistics, nhưng đồng thời đó cũng là những thách thức to lớn, bởi áp lực cạnh tranh đã có càng thêm sức ép nặng nề!
Quyết liệt các giải pháp cơ bản
Ông Đỗ Xuân Quang – Chủ tịch Viffas – chia sẻ: VN cần phải có một ủy ban quốc gia về logistics và nên thành lập Hiệp hội Logistics VN, thay cho tên cũ là Hiệp hội Giao nhận kho vận VN để phù hợp với thông lệ quốc tế và có được “chính danh” thì Nhà nước mới huy động được nội lực xây dựng nền công nghiệp logistics VN xứng tầm thời hội nhập. Còn theo ông Hồ Kim Lân - Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển VN (VPA) - giải pháp quyết định nằm ở năng lực quy hoạch và đầu tư cho logistics, để có những trung tâm phân phối hàng hóa đa cấp cho từng khu vực kinh tế trọng điểm, lấy cảng nước sâu và phát triển đội tàu container, tàu chuyên dụng làm trung tâm... nhằm giảm giá thành vận chuyển và lấy lại thị phần từ các hãng tàu nước ngoài.
Trước đây, để hình thành những cảng trung tâm có quy mô quốc tế, làm nền tảng cho logistics phát triển, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ đạo, trong phát triển cảng biển 5 năm tới phải đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối, các trung tâm phân phối hàng hóa và cơ chế ưu đãi đặc thù để vận hành, khai thác các bến cảng một cách thuận lợi, đồng bộ với phương thức quản lý hiện đại, nhất quán.
Rõ ràng thời gian không còn nhiều, buộc chúng ta phải quyết liệt xây dựng những nền tảng, giải pháp cơ bản để cạnh tranh và phát triển nền công nghiệp logistics VN.
Theo Lao Động
|