|
Sáng ngày 12-7, tại TP.HCM, Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp với Ban Quản lý các KCX-CN TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Thị trường Trung Đông – Châu Phi: Tiềm năng và cơ hội”. Đến dự hội thảo có ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á, Bộ Công thương; ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng; bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng, Trưởng đại diện Cục xúc tiến thương mại tại TP.HCM; ông Lâm Văn Tiếp, Phó trưởng ban quản lý các KCX-CN TP.HCM cùng đông đảo đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á cho biết các nước Trung Đông đang có nhu cầu rất lớn về vật liệu xây dựng. Chỉ riêng tổng giá trị các hợp đồng xây dựng tại GCC trong năm 2010 đạt 207 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án lớn đang tiếp tục được triển khai như tại Arab Saudi có dự án “Thành phố kinh tế King Abdullah Economic City – KAEC” được khởi công từ năm 2006 với số vốn đầu tư lên 50 tỷ USD; dự án “Phát triển thành phố Sudair” có tổng vốn đầu tư 40 tỷ USD hay dự án sân bay quốc tế Qatar với số vốn đầu tư 11 tỷ USD. Sau khi giành quyền đăng cai Worldcup 2022, chính phủ Qatar quyết định chi 220 tỷ USD cho các dự án xây dựng trong nước cho ngày hội bóng đá lớn... Dự kiến, từ nay đến năm 2013, các nước GCC sẽ đầu tư 915 tỷ USD cho các dự án xây dựng. Đây là cơ hội lớn cho ngành vật liệu xây dựng Việt Nam mở rộng thị trường, giải quyết bài toán tồn kho nan giải hiện nay.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng cho biết trong những năm gần đây, năng lực sản xuất một số ngành VLXD của Việt Nam tăng mạnh khiến cho lượng hàng tồn kho ngày càng lớn, việc tìm kiếm thị trường để xuất khẩu là việc làm cấp bách của các doanh nghiệp. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, tăng 260% so với năm 2011, sản phẩm tập trung là clinke xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh…
Ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng vụ thị trường Châu Phi, Tây Á và Nam Á trả lời tại hội thảo
Ông Hùng lưu ý khi xuất khẩu hàng vào thị trường này, các doanh nghiệp bên cạnh phải tìm hiểu kỹ về văn hóa, các yêu cầu chất lượng kỹ thuật cũng cần đề phòng trước việc các đối tượng lừa đảo. Thủ đoạn của chúng thường giả mạo là doanh nghiệp lớn, tổ chức phi chính phủ, cơ quan nhà nước mời thầu một số đơn hàng có giá trị lớn nhưng điều kiện giao dịch khá đơn giản và giá cả hấp dẫn. Những công ty ma này yêu cầu các trả trước một khoản phí như phí trùng thầu, phí xin phép nhập khẩu… Khi nhận được các khoản tiền này, các doanh nghiệp ma sẽ chiếm đoạt và “lặn mất tăm”. Do đó, “trước khi ký kết hợp đồng cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp và tốt nhất là nhờ các tổ chức thương vụ tại các nước đó kiểm tra về độ tin cậy của đối tác nhập khẩu”, ông Hùng nói.
Lam Hồng
|