Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Trung Quốc đối phó với những núi hàng tồn

8/28/2012 10:26:00 AM

Sau ba thập kỷ tăng trưởng nóng, Trung Quốc đang gặp phải vấn đề chưa từng xảy ra: hàng tồn kho chất đống nằm ngổn ngang trên nền các cửa hàng, chật các đại lý ôtô, và lấp đầy kho nhà máy.

 

Hàng loạt loại sản phẩm, từ sắt thép, đồ gia dụng, ôtô cho đến các căn hộ đang ngăn trở nỗ lực vượt qua khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc. Hàng hóa tồn kho cũng gây ra các cuộc chiến giá cả và khiến nhiều nhà sản xuất phải cố gắng gấp đôi để xuất khẩu các sản phẩm không tiêu thụ được tại thị trường nội địa.

 

Theo một khảo sát độc lập công bố hôm 23/8, số lượng hàng thành phẩm trong kho tháng 8 tăng nhanh hơn tất cả các tháng trước đó, kể từ khi khảo sát này được tiến hành tháng 4/2004. Tháng ghi nhận việc lượng hàng trong kho tăng cao kỷ lục trước đó, theo khảo sát của HSBC/Markit, là tháng 6. Cả tháng 5 và 7, số lượng hàng hóa trong kho cũng tăng.

 

“Khắp nơi trong các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất mà chúng tôi khảo sát, mọi người đều hy vọng doanh số bán hàng tăng trong mùa hè vừa rồi, nhưng điều đó đã không xảy ra”, Anne Stevenson-Yang, Giám đốc bộ phận nghiên cứu của J Capital Research, một công ty chuyên phân tích kinh tế có trụ sở tại Hong Kong cho biết. Với lượng hàng tồn kho khổng lồ và các nhà máy đang cắt giảm sản xuất, “mọi thứ dường như đang tiến dần đến điểm ngừng trệ”, bà Stevenson-Yang nói.

 

Vấn đề của Trung Quốc gây ra những cơn ác mộng cho các nhà kinh tế. Trong trường hợp xấu nhất, Mỹ và nhiều nước trên thế giới sẽ lại sa vào khủng hoảng bởi sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc. Khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ sụp đổ và bế tắc chính trị sẽ làm tê liệt cả nước Mỹ.

 

Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và cũng đóng vai trò là động lực mạnh mẽ nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu kể từ khi khủng hoảng kinh tế quốc tế bắt đầu năm 2008. Trung Quốc suy yếu về kinh tế có nghĩa là nước này sẽ nhập khẩu ít hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài hơn, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu đã làm nhu cầu sụt giảm, dẫn đến khả năng tăng hàng tồn, giá cả đi xuống và sản xuất trì trệ trên toàn thế giới.

 

Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, trụ cột của nền kinh tế nước này trong suốt ba thập kỷ qua, đã trở nên ì ạch. Nhập khẩu không tăng, đặc biệt đối với các nguyên liệu thô như quặng sắt dùng để luyện thép, bởi các nhà sản xuất đã mất lòng tin rằng họ sẽ vẫn có thể bán được hàng nếu họ giữ cho sản xuất vận hành đều đặn. Giá bất động sản vẫn giảm mạnh, dù đã có những dự đoán rằng giá đã chạm đáy trong tháng 7. Tiền cũng được chuyển ra nước ngoài qua nhiều đường khác nhau cả hợp pháp và bất hợp pháp.

 

Các cuộc phỏng vấn với nhiều chủ doanh nghiệp và giám đốc công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau cho thấy hàng tồn, ế ngày càng tăng.

 

Chủ các doanh nghiệp chế tạo hay phân phối một loạt các sản phẩm từ máy hút ẩm, ống nhựa thông hơi, tấm năng lượng mặt trời, ga trải giường, cho đến thép dầm để đỡ trần đều nói rằng doanh số bán ra đã giảm trong năm ngoái và hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

 

“Doanh số bán ra giảm 50 phần trăm so với năm trước, và hàng trong kho thì cứ chất đống”, To Liangjian, chủ một công ty bán buôn khung tranh và cốc cho biết sau khi dừng chơi bài poker trên máy tính trong cửa hàng vắng lặng của anh ở vùng đông nam Trung Quốc.

 

Wu Weiqing, giám đốc doanh nghiệp bán buôn các loại vòi và bồn rửa nói rằng doanh số bán hàng của công ty anh giảm 30 phần trăm trong năm ngoái, và lượng hàng tồn kho ngày một nhiều. Tuy nhiên nhà máy cung cấp các mặt hàng cho anh vẫn đang đẩy mạnh sản xuất các đồ bếp bóng loáng. “Nhà cung cấp của tôi tồn cả đống hàng khổng lồ, nhưng họ không thể cắt giảm sản xuất, bởi họ không muốn bị lỡ cơ hội bán hàng khi nhu cầu mua tăng trở lại,” Wu nói.

 

Một lý do là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quyết định chú trọng chất lượng cuộc sống hơn là đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, đối với hai ngành công nghiệp lớn nhất nước này là nhà ở và ôtô. Chính phủ đã áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế người dân mua nhà thứ hai để chống đầu cơ, khiến giá nhà và số lượng các công trình xây dựng giảm mạnh, dẫn đến việc công nhân xây dựng thất nghiệp tràn lan.

 

Chính quyền tỉnh Quảng Châu, một trong những tỉnh lớn nhất Trung Quốc, mùa hè này đã cắt giảm số lượng ôtô được phép đăng ký với mục tiêu giảm tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí. Quan chức các tỉnh ở khắp Trung Quốc đã kéo về Quảng Châu để học hỏi kinh nghiệm. Tây An, một đô thị lớn ở vùng tây bắc Trung Quốc vừa thông báo trong tháng này họ sẽ hạn chế lượng đăng ký ôtô, mặc dù vẫn chưa có quyết định cụ thể.

 

Ngành công nghiệp sản xuất ôtô của Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao gấp 10 lần trong vòng một thập kỷ qua và trở thành ngành sản xuất ôtô lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn tăng trưởng, ngành này trở thành một đối thủ đáng gờm của thành phố Detroit (nơi tập trung nhiều nhà máy sản xuất ô tô của Mỹ). Nhưng giờ đây, các doanh nghiệp ôtô Trung Quốc giống như Detroit trong tháng ngày đen tối những năm 80.

 

Lượng xe ế tăng nhanh tại các đại lý trên khắp cả nước, và các dấu hiệu cho thấy vấn đề vẫn đang xấu đi, chứ không hề được cải thiện. Có nhiều nhà máy ôtô mới mở ở Trung Quốc trong vòng hai năm qua đến nỗi ngành công nghiệp này hiện nay mới vận hành ở mức 65 phần trăm công suất, thấp hơn rất nhiều so với mức 80 phần trăm - mức cần thiết để có thể mang lại lợi nhuận.

 

Tuy nhiên, có rất nhiều nhà máy mới vẫn đang được xây dựng. Theo Ủy ban Đổi mới và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, chỉ nguyên công suất tăng trong ba năm tới của ngành công nghiệp chế tạo ôtô của nước này sẽ tương đương với công suất của tất cả các nhà máy ôtô tại Nhật cộng lại, và gần bằng với tổng công suất của các nhà máy ôtô tại Mỹ.

 

“Tôi lo là chúng ta đang đi vào đúng vết xe đổ của Mỹ và sẽ mất khá lâu để sửa chữa những sai lầm đó”, Geoff Broderick, tổng giám đốc khu vực châu Á của công ty tư vấn toàn cầu J.D. Power & Associates, bày tỏ.

 

Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc cho biết, trong nửa đầu năm nay số lượng xe họ bán buôn cho các đại lý đã tăng 600.000, tương đương 9 phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của các đại lý tăng 900.000 đơn vị, đạt 2,2 triệu xe tính từ cuối tháng 12 năm ngoái đến cuối tháng 6 năm nay. Mặc dù việc hàng tồn tăng có một phần là do chưa vào đúng mùa xe bán chạy, các nhà phân tích trong ngành cho rằng số liệu này cho thấy doanh số bán ra cao nhất chỉ tương đương năm trước, thậm chí có khi còn giảm. Đây là một bước thụt lùi của ngành công nghiệp vốn đã “quen” với việc tăng trưởng hai con số hàng năm.

 

“Lượng hàng trong kho của chúng tôi hiện nay rất, rất cao”, ông Huang Li, chủ tịch Tập đoàn Zhongsheng, đơn vị có chuỗi đại lý lớn thứ năm tại Trung Quốc nói. “Nếu tôi không có khuyến mại đặc biệt trong nửa đầu năm vừa rồi, thì lượng hàng tồn của tôi bây giờ thậm chí còn cao hơn nữa.”, ông Li cho biết.

 

Phần lớn nhà sản xuất đều từ chối giảm sản lượng. Điều này gây áp lực lớn cho các đại lý, những đơn vị đã ký thỏa thuận phân phối ôtô theo hình thức nhượng quyền. Các đại lý này đang phải vất vả tìm chỗ đỗ cho xe chưa bán được hoặc cách thức phù hợp để có đủ vốn bù cho số lượng hàng tồn ngày một tăng. Tình trạng này khiến cho Hiệp hội các đại lý ôtô Trung Quốc, một tổ chức nhà nước, có hành động chưa từng có trong tiền lệ là khiếu nại với các nhà sản xuất ôtô hồi đầu tháng này.

 

“Hàng tồn kho vẫn có lúc nhiều lúc ít”, ông Wu, chủ doanh nghiệp bán vòi nước và chậu rửa nói. “Hiện giờ chúng cứ nằm đấy đã, và sẽ còn có nhiều hàng tồn hơn nữa", ông này đoán.

 

Theo VnExpress

TIN LIÊN QUAN
Vận tải hàng hóa: Đường bộ thống lĩnh (5/12/2014 9:30:37 AM)
Sản lượng hàng hóa của MIA tăng mạnh từ hoa (4/29/2014 8:52:54 AM)
Saudia Cargo dự kiến lượng hoa tăng (2/13/2014 8:58:13 AM)
Lưu thông container trên các tuyến Á-Âu, xuyên Đại Tây Dương tăng 2.4% trong năm 2013 (2/12/2014 10:13:43 AM)
Vận tải hành khách và hàng hóa năm 2013 (12/24/2013 9:06:24 AM)
Sản lượng hàng hóa hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 11.8% trong tháng 9 (10/11/2013 8:59:19 AM)
Hãng vận tải Puerto Rico bổ sung ghé cảng tại Port Everglades (10/4/2013 10:29:35 AM)
Hướng dẫn quản lý hàng hóa từ nước ngoài gửi kho ngoại quan (9/6/2013 9:40:14 AM)
Tiêu thụ hàng hóa trong nước được cải thiện (8/9/2013 9:45:16 AM)
Xuất khẩu hoa Hà Lan giảm 3,9% trong tháng 5 do thời tiết lạnh (6/21/2013 10:42:57 AM)
THÔNG TIN KHÁC
Khơi thông nguồn vốn giữa doanh nghiệp và ngân hàng (8/25/2012 10:17:01 AM)
Tranh cãi thương mại giữa Mỹ, Nhật và Argentina (8/23/2012 10:12:53 AM)
Nga chính thức trở thành thành viên thứ 156 của WTO (8/23/2012 10:11:56 AM)
"Cảnh giác khi mua bán với doanh nghiệp Cameroon" (8/22/2012 11:00:38 AM)
Kinh tế Philippines sẽ phát triển nhanh thứ 6 thế giới (8/22/2012 10:57:55 AM)
Những động thái “lạ” tại cửa khẩu biên giới Móng Cái (8/21/2012 10:03:53 AM)
Đồng euro tăng giảm không đồng nhất, USD lên giá (8/17/2012 10:19:37 AM)
Đồng USD tăng nhẹ sau khi có số liệu hứa hẹn từ Mỹ (8/16/2012 10:10:40 AM)
USD tiếp tục mất giá (8/15/2012 10:29:25 AM)
Chile hy vọng sớm ký hiệp định FTA với Indonesia (8/14/2012 10:40:41 AM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com