Home Page About us Transport Yellow Pages Forum VIL
Tracuu
Su Kien



Username
Password
 
Đăng ký mới


Phòng kinh doanh:
028
3513 6399
 

Đăng nhập

     

Nhìn lại 2 năm triển khai kế hoạch hành động về Logistics

4/1/2019 3:22:13 PM

Ngày 14/02/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg (Quyết định 200) phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản pháp lý khẳng định quyết tâm phát triển lĩnh vực dịch vụ logistics, đồng thời để ra những giải pháp thiết thực, mang tính trung hạn để hỗ trợ phát triển logistics tại Việt Nam.

Những kết quả đạt được

Sau hơn một năm triển khai Quyết định 200, ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể. Từ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sử dụng có hiệu lực, hiệu quả các công cụ quản lý đối với hoạt động logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được một số thành tựu sau:

Từng bước hoàn thiện khung pháp lý về logistics

Trong năm 2017 vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 cùng với việc ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 quy định về kinh doanh dịch vụ logistics và Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2018 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Kế hoạch hành động, những quy định về kinh doanh dịch vụ logistics và Chỉ thị quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ này mang tính đột phá cao tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thông thoáng, lành mạnh thúc đẩy hoạt động logistics của nước ta ngày càng phát triển bền vững.

Năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cùng với tốc độ tăng trưởng của GDP, giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu, trị giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, trong thời gian vừa qua dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP năm 2017.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chỉ số năng lực hoạt động logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay.

Hạ tầng cơ sở logistics ngày càng được cải thiện

Trong hai năm vừa qua, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, nhiều tuyến đường cao tốc, cầu lớn đã và đang được nâng cấp xây dựng tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6 năm 2018. Bên cạnh đó, cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long, Hạ Long – Vân Đồn đã đi vào khai thác từ cuối năm 2018, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của khu vực ven biển Miền Bắc, là mắt xích quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Về đường biển, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện ở phía Bắc đã đưa vào khai thác 2 bến cảng đầu tiên trong tháng 5 năm 2018. Khi đi vào khai thác, cảng Lạch Huyện sẽ góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc cũng như cả nước có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ, ngoài ra còn góp phần thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông – Tây và khu vực Nam Trung Quốc.

Về hàng không, cùng với việc nâng cấp các sân bay hiện có, năm 2018 cảng hàng không Vân Đồn là sân bay đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT được đưa vào hoạt động. Các sân bay hiện đang mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa, một số sân bay như Cần Thơ đang xem xét việc xây dựng trung tâm logistics hàng không hiện đại để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong năm 2018, hạ tầng logistics bao gồm các trung tâm logistics, trung tâm phân phối, cảng cạn, kho ngoại quan cũng gia tăng về số lượng và nâng cấp về công nghệ. Các trung tâm logistics đang chuyển sang ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hàng hóa, theo dõi, truy xuất vị trí. Một số trung tâm logistics chuyên dùng được tự động hóa gần như hoàn toàn. Các trung tâm logistics lớn hiện nay tập trung ở khu vực Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương.

Hoạt động đào tạo, ứng dụng công nghệ các các hoạt động khác hỗ trợ tích cực cho ngành dịch vụ logistics

Số lượng các trường, viện, cơ sở tham gia đào tạo về logistics ngày càng tăng, chương trình đào tạo được nâng cấp theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với thực tế, đội ngũ giảng viên gia tăng về số lượng và nâng cao về trình độ. Nhiều giải pháp công nghệ được ứng dụng trong quản lý kho bãi, quản lý phương tiện, quản lý hàng hóa giúp hoạt động dịch vụ logistics được thực hiện tốt hơn, nhanh hơn.

Nâng cao nhận thức về logistics

Trong hai năm vừa qua, công tác phổ biến, tuyên truyền về logistics đã được quan tâm thực hiện từ cấp Trung ương đến địa phương, với sự vận dụng sáng tạo nhiều kênh thông tin, tuyên truyền như truyền hình, truyền thanh, báo chí truyền thống, báo và các trang tin điện tử đến mạng xã hội và các diễn đàn trực tuyến. Nhờ đó, nhận thức của các bên liên quan về định hướng, chính sách và các nội dung trong lĩnh vực logistics ngày càng được cải thiện.

Tạp chí Viet Nam Logistics Review, trang tin điện tử www.logistics.gov.vn, VTV9 là những kênh truyền thông cung cấp thông tin ngành logistics phục vụ quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; hoạt động nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực logistics. Đây cũng là địa chỉ tin cậy để kết nối giao thương, đầu tư và hợp tác cho các tác nhân trong lĩnh vực logistics.

Đã có nhiều hội nghị, hội thảo cấp Nhà nước và địa phương, ngành hàng được tổ chức để bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả logistics, kết nối cung – cầu trong lĩnh vực logistics… Hầu hết các địa phương trên cả nước ban hành kế hoạch phát triển logistics trên địa bàn của mình. Hai năm 2017-2018 cũng chứng kiến bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics. Đã có nhiều văn bản hợp tác ghi nhớ và các chuyến giao lưu hợp tác giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam với các hiệp hội và doanh nghiệp quốc tế.

Những tồn tại và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động logistics của các doanh nghiệp Việt Nam tuy có phát triển thuận lợi nhưng chưa khai thác hết được lợi thế địa kinh tế và tương xứng với tiềm năng của mỗi địa phương; cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động logistics cũng như sự kết nối giữa hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin,… cả trong nước và với khu vực còn chưa cao nên hiệu quả triển khai Quyết định 200 còn nhiều bất cập.

Trong năm vừa qua, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực xây dựng khung khổ pháp lý, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng lành mạnh cho hoạt động logistics ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong triển khai thực tiễn, các cơ quan quản lý cấp Sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do một số các quy định vẫn còn chồng chéo, phát sinh nhiều thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Mặc dù, các cơ quan chủ quản đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn khắc phục nhưng chưa có sự đánh giá tình hình thực hiện các chính sách quản lý, phát triển ngành logistics một cách tổng thể để kịp thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn.

Công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng quy hoạch của các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả, hiệu lực; một số tỉnh, thành phố có tiềm năng nhưng cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư tương xứng nên các hoạt động dịch vụ logistics nhìn chung chưa phát triển được. Đặc biệt cho đến nay, nước ta vẫn chưa có một Chiến lược tổng thể phát triển ngành logistics của Việt Nam.

Điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam là chi phí dịch vụ còn cao, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao, trong điều kiện thị trường cung cấp dịch vụ của Việt Nam hiện nay có sự cạnh tranh gay gắt. Nguyên nhân chính là hạn chế về quy mô doanh nghiệp và vốn, về kinh nghiệm và trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yếu cầu hoạt động quốc tế và một nguyên nhân quan trọng nữa là không có đầu mối nguồn hàng do Việt Nam chủ yếu xuất FOB và nhập CIF, ngoài ra có hạn chế về kết cấu hạ tầng logistics và chi phí vận tải trên đường bộ, phụ phí cảng biển do các chủ tàu nước ngoài áp đặt.

Phương hướng, nhiệm vụ triển khai trong giai đoạn tới

Để công tác triển khai Quyết định 200 đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, các Bộ ngành, địa phương và Hiệp hội ngành hàng có liên quan cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung như sau:

1. Trước tiên, cần nâng cao nhận thức và quán triệt sâu sắc quan điểm, định hướng chỉ đạo mang tính nhất quán xuyên suốt quá trình phát triển ngành logistics ở trong thời gian tới sẽ là một ngành “dịch vụ nền tảng”, logistics đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế cũng như nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững ở nước ta.

2. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật có liên quan nhằm mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ổn định và bền vững.

Đồng thời, các Bộ ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

3. Cùng với quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng và sự phát triển nhanh chóng của logistics tại Việt Nam thì việc nghiên cứu, xây dựng một Chiến lược tổng thể phát triển ngành logistics giai đoạn sau năm 2025 để thực hiện chủ trương kết nối toàn diện với các nước trong khu vực với những mục tiêu, biện pháp và lộ trình thực hiện cụ thể là điều cấp thiết.

4. Trong thời gian tới, để ngành logistics phát triển thuận lợi cần phải có sự đột phá trong đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại, hạ tầng công nghệ thông tin cho tương xứng, phù hợp với thực tiễn đặt ra.

Trong đó cần rà soát quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics kết nối hiệu quả với các hệ thống cảng biển, đường giao thông trong nước và khu vực tạo thành những tuyến, luồng vận chuyển hàng hóa thuận lợi, hiệu quả cao. Một mặt cần có những chính sách khuyến khích việc xã hội hóa trong đầu tư nhưng trước mắt cũng cần phải ưu tiên bố trí nguồn kinh phí ngân sách của Trung ương và địa phương đầu tư cho các hạng mục công trình trọng điểm ở khu vực có lợi thế địa kinh tế để phát triển ngành logistics.

5. Cần khơi thông, phát triển thị trường cho logistics, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics là những doanh nghiệp có tiếp xúc nhiều với nước ngoài, học hỏi được nhiều kinh nghiệm về hội nhập và cạnh tranh nên càng phải chủ động, có chiến lược phát triển bài bản để mở rộng phạm vi và quy mô hoạt động, đem lại dịch vụ chất lượng cao với chi phí thích hợp cho khách hàng.

6. Cùng với cơ chế phân cấp quản lý linh hoạt giữa Trung ương và địa phương nhằm nâng cao hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành hoạt động logistics thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác về logistics có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ giỏi, phẩm chất đạo đức đáp ứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới trong thời gian tới có thể nói là yếu tố quan trọng.

7. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác xây dựng quy hoạch giao thông đảm bảo kết nối hiệu quả với quy hoạch trung tâm logistics trên địa bàn cả nước, gắn quy hoạch trung tâm logistics với quy hoạch cảng cạn (thực chất cũng là một loại hình trung tâm logistics); hoàn thiện cơ sở hạ tầng và kết nối các phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không; hướng dẫn, khuyến khích các doanh nghiệp tích cực triển khai vận chuyển đa phương thức và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí logistics.

Đồng thời, các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục xử lý các vấn đề còn tồn tại trong việc thu phí hạ tầng (BOT), phí, phụ phí tại các cảng đầu mối nhằm cắt giảm các chi phí bất hợp lý.

8. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên lựa chọn một số trường đại học, cao đẳng và trung cấp nghề để tập trung đầu tư, hỗ trợ nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành logistics. Đồng thời, thống nhất với các nước trong ASEAN khung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tiến tới công nhận các văn bằng, chứng chỉ nghề về logistics nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành logistics trong nước nói riêng và khu vực nói chung.

9. Các tỉnh, thành phố trên cả nước quan tâm hơn nữa trong việc phát huy tối đa lợi thế về địa kinh tế và liên kết vùng, kết hợp công tác thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ logistics nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí logistics cho các doanh nghiệp.

10. Đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, mặt khác cần thay đổi quan niệm “mua CIF, bán FOB” để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước tham gia nhiều hơn trong việc cung ứng dịch vụ logistics quốc tế.

Theo Vinalines

TIN LIÊN QUAN
THÔNG TIN KHÁC
Cải thiện Chỉ số Hiệu quả Logistics của Việt Nam (4/1/2019 3:17:08 PM)
Tân cảng Sài Gòn đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (3/18/2019 7:53:56 AM)
Những tín hiệu vui và lạc quan về tăng trưởng năm 2019 của Cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam ( TCIT) (2/26/2019 2:59:51 PM)
Việt Nam đang "khát" nguồn nhân lực cho phát triển logistics (12/25/2018 8:00:19 AM)
Sắp diễn ra chung kết Cuộc thi Tài năng trẻ Logistics Việt Nam 2018 (11/21/2018 4:24:14 PM)
Để Logistics Việt Nam thông minh hơn (11/21/2018 4:22:32 PM)
Chi phí logistics Việt Nam tương đương 16 - 17% GDP (11/21/2018 4:20:48 PM)
Sách trắng Logistic Việt Nam lần đầu được công bố (11/21/2018 4:19:01 PM)
Doanh nghiệp logistics Việt Nam hoạt động còn manh mún (11/21/2018 4:17:46 PM)
Hơn 430 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng biển (11/7/2018 1:44:27 PM)
BÌNH LUẬN

Bình luận của bạn

Nội dung:
Email / Tên / Điện thoại:
 

Bạn thấy giao diện mới của website như thế nào?
Rất đẹp
Đẹp
Bình thường
Không đẹp lắm

VẬN CHUYỂN CONTAINER QUỐC TẾ/NỘI ĐỊA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG. HOTLINE: 0903 974 124
CÔNG TY TNHH CÁT TƯỜNG GIANG (CTG LOGISTICS & SHIPPING AGENCIES)

© 2005-2020 Bản quyền thuộc về Viện Logistics Việt Nam (VIL) - Liên hệ quảng cáo
Ghi rõ nguồn "VietnamShipper" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này

Tầng 25, Pearl Plaza - 561A Điện Biên Phủ, P.25, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM - Tel: (+84-8) 3513 6399 - Fax: (+84-8) 3513 6359 - Email: admin@vietnamshipper.com